Phong cách Minimalism trong nội thất: Tối giản nhưng đầy sự tinh tế
Minimalism từ lâu đã là cụm từ nổi tiếng được nhắc đến trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt càng nổi bật với tần suất bao phủ dày đặc trong lĩnh vực thiết kế nội thất như một trong các phong cách chủ chốt.
Với tuyên ngôn “Less is more”, tinh thần Minimalism càng thể hiện rõ nét qua từng hình dáng kiến trúc tối giản nhằm mang đến sự thoải mái cùng tính tiện nghi tuyệt đối cho không gian nhà ở.
Phong cách kiến trúc theo lối Minimalism
Nhắc đến phong cách kiến trúc tối giản, không thể không nhắc đến cái tên Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969) như một huyền thoại sống, một kiến trúc sư tài ba đã cho ra đời lối kiến trúc ảnh hưởng nhất nhì của thế kỷ 20 này.
Ông là người đầu tiên đặt nền móng và định hình những phác thảo sơ bộ nhất về một phong cách tối giản hoàn chỉnh: trong sạch, đơn giản, tinh tế cùng bề mặt trơn phẳng, đường thẳng, kết cấu vuông vức…chính là những yếu tố từng được tạo lập.
Cũng từ đây, tinh thần chủ đạo “Less is more” như một tuyên ngôn mạnh mẽ và được lưu truyền rộng rãi, để chỉ nét đẹp tinh tế của sự đơn giản tận cùng.
Cách thức lược bỏ hết tất cả chi tiết, giữ lại những gì chính yếu và sơ khai nhất không khiến không gian trở thành một bản nháp sơ sài, ngược lại, lại tạo ra một môi trường sống ở tầm tuyệt tác.
Vốn dĩ từ sơ khai, Minimalism đã được định hình như một phong cách đề cao tuyệt đối vai trò của không gian, nét đẹp của không gian, sự cô đọng – khúc chiết trong đường nét, bố cục cũng đều hướng đến giá trị cốt lõi này.
Tinh thần “Less is more” quan niệm, không phải đồ đạc hay cách thức bày trí, chính không gian sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cùng với sự kết hợp hoàn hảo của ánh sáng.
Yếu tố ánh sáng tự nhiên cũng vì vậy mà trở nên được xem trọng hàng đầu, dễ dàng đem đến các sắc thái tương phản, góp phần làm tăng tính nghệ thuật và khả năng thẩm mỹ cho Minimalism Style.
Với những ai yêu thích màu sắc, độ “tĩnh lặng” của kiến trúc tối giản có thể cho cảm giác đơn điệu nhàm chán. Để yêu mến không gian Minimalism trọn vẹn, cần một tư duy rộng mở và khả năng cảm nhận sâu sắc hơn.
Đó là lý do kiến trúc tối giản rất phát triển ở các đất nước đề cao giá trị tinh thần, đời sống nội tâm, ưa chuộng hành thiền như Nhật Bản.
Khi Minimalism “xâm nhập” vào trong thiết kế nội thất
Đến với nội thất, Minimalism lại có cho mình sức hút tinh tế nhờ các đường nét tối thiểu, các thiết kế ít chi tiết rườm rà, cách thức bố trí tiết giảm số lượng tối đa.
Mỗi một đồ vật nội thất Minimalism sử dụng đều mang theo ý nghĩa nhất định và có chủ đích sử dụng, giữ cho không gian lúc nào cũng trong trạng thái thoáng đãng.
Phong cách thiết kế nội thất Minimalism đặc biệt lưu hành rộng rãi tại các quốc gia Châu Âu – cũng là cái nôi của nội thất thế giới.
Sự ảnh hưởng của nội thất tối giản còn có thể kể đến, như sự bùng nổ và ảnh hưởng sâu rộng đến phong cách nội thất Bắc Âu vào thập niên 90, và tiếp tục gây sốt ở khu vực Châu Mỹ.
Như đã đề cập, tại Châu Á, Nhật Bản chính là quốc gia tiên phong áp dụng và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của lối nội thất này cho đến tận ngày nay, đồng thời cũng là quốc gia nổi tiếng về phong cách sống tối giản.
Quan sát các công trình nhà ở, công trình công cộng ở Nhật Bản, dù theo hơi hướng đương đại hay truyền thống, cũng đều dễ dàng bắt gặp hơi thở tối giản tinh tế trong từng đường nét.
Có lẽ chính vì điều này mà Nhật Bản lại vô tình được mệnh danh là bậc thầy của lối kiến trúc nội thất tối giản. Nội thất tối giản nhìn chung đều cho yếu tố nhẹ nhàng và tự do trong cách sắp xếp, nhưng đồng thời lại có tổ chức một cách hoàn hảo.
Với các đối tượng doanh nhân, những ai đang làm công việc tính chất sáng tạo, một không gian tối giản thật sự hoàn hảo cho việc nảy sinh các ý tưởng.
Đồng thời đây cũng chính là đối tượng dễ dàng chấp nhận những giá trị tinh tế, nét đẹp của sự đơn giản cũng như tính thực tiễn của Minimalism Style nhất.
Nội thất Minimalism, theo một cách khác, là xu hướng cực kỳ kinh tế và dễ dàng tạo lập, không cần quá nhiều phụ kiện rườm rà hay các món đồ dùng độc lạ.
Chỉ cần “Less is more” và có sự chắt lọc, xây dựng một căn phòng tối giản không phải là bài toán quá khó với các tín đồ yêu cái đẹp.
Đặc trưng của lối thiết kế nội thất theo phong cách tối giản Minimalism
Một căn phòng được “nhận diện” là tuân theo quy tắc tối giản hoàn hảo thường có đặc điểm gì? Tinh thần “Less is more” trong hầu hết các tiêu chí từ không gian, màu sắc, ánh sáng, bố cục, đồ dùng nội thất…chính là câu trả lời.
Bố cục không gian theo quy tắc “Less is more – ít là nhiều”
Nguyên tắc thiết kế nội thất đậm đặc tinh thần tối giản chủ yếu xoay quanh cụm từ “Less is more – ít hơn là nhiều hơn”, không gian trong Minimalism từ đây cũng được tiết giảm tối đa các yếu tố nhỏ lẻ chi tiết, chỉ giữ lại những đường nét chủ đạo có sự kết nối xuyên suốt nhau.
Đồ dùng nội thất đều được chắt lọc và tinh giản hết mức có thể, trong mỗi không gian chỉ nên bố trí các vật dụng thiết yếu, điều này dựa trên tính năng của từng khu vực phòng ốc, sao cho không làm mất đi vẻ tiện nghi mà vẫn giữ được nét tinh tế giản lược cần thiết.
Tường, trần, sàn thường được đồng bộ về mặt màu sắc cho cảm giác thoáng đãng, trải dài mênh mông vô tận, tương tự như các thiết kế theo phong cách Scandi, sự tĩnh lặng cùng vẻ miên man “không chia cắt” hay bị giới hạn rạch ròi phân định khung nền chủ đạo (trần, sàn, tường) làm nên một Minimalism tràn đầy cảm hứng.
Hạn chế màu sắc trong nội thất Minimalism
Trong thiết kế nội thất phong cách tối giản, sự tiết chế màu sắc là một trong những điều cần thiết nhất để tạo nên sự thành công cho không gian bày trí vốn có.
Theo đó, không nên sử dụng quá nhiều màu nếu không thể đảm bảo được độ khéo léo khi sắp đặt chúng bên cạnh nhau.
Phương án tốt nhất thường được đưa ra là tối đa 3 màu cho một căn phòng Minimalism, bao gồm: 1 màu nền, 1 màu sậm hơn tạo điểm nhấn và 1 màu đóng vai trò chủ đạo cho tổng thể.
Màu trung tính phù hợp trong việc áp dụng lên các khoảng không gian đứng như bờ tường bao bọc, đồng thời xây dựng nên lớp nền hoàn hảo cho đường nét cấu tạo của đồ dùng nội thất bên trong có cơ hội “tỏa sáng”.
Gam màu nhẹ nhàng như trắng, be, nâu, xám, hay thậm chí đen…rất thường được tìm thấy, đặc biệt sắc trắng là không thể thiếu với tất cả thiết kế khoác áo Minimalism.
Sự đa dạng trong cách phối hợp và dễ dàng “ăn nhập” với các màu sắc khác đã làm trắng tuyệt nhiên được ưa chuộng, hỗ trợ các màu xung quanh nổi bật hơn, vừa cho cảm giác thông thoáng nhờ không gian được “kéo dài” không biên giới.
Ánh sáng được xem như một món đồ trang trí nội thất
Ánh sáng trong không gian Minimalism đóng vai trò như một thành phần trang trí không thể thiếu, giúp gia tăng tính thẩm mỹ và cho hiệu quả thị giác hơn mong đợi.
Các thiết kế ánh sáng Minimalism thường đa phần dùng dùng để tạo điểm nhấn, độ tương phản tương đối cho các khu vực diện tích lớn trong nhà.
Ánh sáng soi chiếu vào đồ dùng sẽ cho ra hình ảnh bóng đổ, là một cách thức thông minh tận dụng thiên nhiên tôn vinh dáng hình đồ dùng đặt để.
Không dừng lại ở đó, vẻ đẹp của ánh sáng trong lối thiết kế tối giản còn được phát huy triệt để khi được cố tình tính toán đường đi len qua các bình phong, rèm cửa, mái nhà hở, cửa kính rèm mỏng… soi rọi mọi ngóc ngách cùng hiệu ứng chiều sâu mà không phong cách nào có thể có được.
Với các loại ánh sáng nhân tạo hay đèn điện, đèn LED ánh sáng trắng là hoàn toàn phù hợp trong phong cách nội thất tối giản.
Linh hoạt sử dụng các loại đèn nhân tạo âm trần, cùng với các thiết kế đèn barber cổ điển nắp chụp treo trần, hay đèn Edison bóng tròn ánh sáng vàng cũng sẽ mang lại không khí ấm áp.
Đồ dùng nội thất trong phong cách tối giản Minimalism
Một sự thật là, khi muốn có được sự trống trải phòng ốc thì việc bố trí các món nội thất như bàn ghế, ti vi đều phải được đảm bảo hạn chế nhiều nhất có thể, điều này hoàn toàn đúng với trường hợp phong cách nội thất tối giản.
Vì lẽ đó, các thiết kế nội thất tối giản thường ưa chuộng đồ dùng có kiểu dáng hiện đại Châu Âu, vừa thuận tiện trong việc sắp đặt vừa tạo cảm giác tinh gọn trong hình dáng.
Chính vì đề cao công năng và tính tiện nghi, các thiết kế gọn gàng của dòng nội thất này cũng phù hợp cho nhiều không gian tập thể như văn phòng công ty, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng năng động, lại rất thông thoáng cho việc đi lại.
Đồ dùng đạt tiêu chí tối giản thường có hình dạng tinh tế, sử dụng chất liệu cứng cáp “mạnh mẽ” và mang trên mình tông sắc trung tính, các bề mặt sáng bóng với góc cạnh – đường thẳng dứt khoát gãy gọn cũng được khuyến khích chọn lựa.
Chất liệu phù hợp thường đa dạng, bao gồm: thép không gỉ, crom,…cùng đặc tính sử dụng sàn gỗ, bê tông, gạch, đá…hầu như đều là những bề mặt cho khả năng lau chùi thuận lợi.
Cùng đó, các món đồ dùng nội thất thông minh tích hợp nhiều công năng cũng hoàn toàn lý tưởng cho một căn phòng Minimalism, thay vì bày bừa quá nhiều đồ dùng, các sản phẩm 2 trong 1 hay đa năng chắc chắn giúp diện tích được sử dụng tối ưu hơn.
Các bước để tạo nên một căn phòng Minimalism đúng chuẩn
Làm sao để vận dụng phong cách nội thất tối giản vào không gian phòng ốc trong nhà một cách tối ưu nhất? Những lưu ý sau đây sẽ giúp bạn hình dung phần nào về cách thức tiến hành.
Về cách trang trí tường
Trong các thiết kế xu hướng tối giản, các bức tường thường được sử dụng dưới dạng không có họa tiết, sơn phẳng hoặc dùng giấy dán tường độc một màu trơn.
Chủ yếu là các màu trung tính như là cách thức tiết chế bắt buộc mà người theo đuổi phong cách nên áp dụng để tạo độ thông thoáng tuyệt đối cho không gian.
Sắm sửa đồ nội thất tối giản
Những món đồ thuộc trường phái nội thất Minimalism được chọn lựa theo tiêu chí nên có bề mặt phẳng và nhẵn nhụi, chi tiết càng đơn giản càng được đánh giá cao, kết cấu hình học rõ ràng không quá nhiều biến tấu cùng màu sắc tối giản chỉ nên mang duy nhất 1 màu.
Đồ đạc nội thất trong thiết kế Minimalism cũng theo đó phải tiết chế tối đa vì đích đến cuối cùng hướng đến chính là vẻ đẹp không gian, và việc đặt để đồ vật chỉ nên cân nhắc những đồ dùng nội thất thiết yếu nhất.
Bố trí ánh sáng cho phòng
Ưu tiên sử dụng ánh sáng tự nhiên, khung cửa sổ lớn, ngoài ra có thể sử dụng thêm một số đèn trang trí đơn giản, đèn âm trần. Để tạo nên một thiết kế phòng theo phong cách tối giản đẹp hiện đại, tận dụng nguồn sáng trời với các khung cửa sổ lớn là điều nên làm.
Chọn một tông màu để bám sát
Một trong những điều đại kỵ của lối nội thất Minimalism, chính là tham lam chọn lựa quá nhiều màu sắc trong một tổng thể, có thể nói chỉ cần 1 màu nguyên trơn trải rộng là đã đủ cho toàn bộ cả căn phòng rộng, bởi đây là vẻ đẹp của sự tận cùng tối giản.
Bên cạnh màu nền chủ đạo đồng bộ cho các không gian quan trông chiếm diện tích lớn như nền, sàn, trần, tường…sự điểm tô nhấn nhá bằng các tông màu trung tính ở mức độ “mạnh bạo” hơn cho khu vực rèm cửa, các vật dụng để tạo điểm nhấm cũng là phương án được khuyến khích.
Bất kể màu sắc chọn lựa là gì, trắng luôn là một biểu tượng điển hình của nội thất tối giản, được yêu thích dùng trong hơn 80% không gian và đồ dùng vì cho khả năng mở rộng khoảng cách tốt, lại đồng thời hỗ trợ “kéo giãn” diện tích phòng như rộng ra thêm về mặt thị giác.
Đảm bảo tính cân bằng tổng thể
Để tạo hiệu ứng cân bằng trong bố cục nội thất Minimalism, các vật dụng như đèn thân cao, đèn đứng, tranh ảnh nghệ thuật hoặc gối, đệm tựa có thể chọn bố trí theo cặp, hoặc bất đối xứng nghiêng về hẳn 1 phía đều có thể được chấp nhận.
Việc chú ý đến tính cân bằng như thế này sẽ giúp chủ nhà tận dụng tối ưu không gian cũng như ánh sáng tự nhiên, tạo nên các khu vực rõ ràng và có chiều sâu hơn.
Điểm nhấn chính – yếu tố cần thiết
Với các thiết kế nội thất tối giản, việc chắt lọc đồ dùng sử dụng đưa vào không gian cực kỳ được chú trọng. Theo đó, một chiếc gương hay một chiếc sofa khi đặt để cũng đều phải tạo được ấn tượng như là điểm nhấn thu hút thị giác.
Chính cách bày trí tinh tế chỉ sử dụng một món đồ dùng duy nhất, đóng vai trò như nét đẹp trọng tâm sẽ giúp không gian trở nên sang trọng hơn việc chọn lựa cùng lúc quá nhiều các món đồ nhỏ lẻ mà không thể tập trung được sự chú ý của mắt nhìn.
Sắp xếp các món đồ dùng tương đồng gần nhau
Một quy tắc khác có thể lưu tâm để tạo nên căn phòng mang hơi hướng tối giản, chính là cách sắp xếp các món đồ dùng nội thất có hình dạng và màu sắc tương đồng ở vị trí gần nhau.
Điều này chắc chắn sẽ làm mọi thứ trở nên gọn gàng và nhẹ nhàng hơn, kết cấu chung cũng vì vậy mà tiết giảm đi nhiều các chi tiết rườm rà, lại mang đến không gian sống khoa học.
Ứng dụng phong cách tối giản Minimalism vào thiết kế nội thất hiện đại
Minimalism với cách bày trí thiết kế tối giản nhưng không kém phần tinh tế, thể hiện bầu không khí tuyệt đối tĩnh lặng có thật sự phù hợp cho hầu hết các không gian trong gia đình? Những hình ảnh dưới đây sẽ làm rõ thắc mắc ấy.
Mẫu phòng khách phong cách Minimalism thu hút ánh nhìn
Vì sở hữu đường nét tinh tế và đơn giản, các thiết kế nội thất theo phong cách tối giản Minimalism thường là chọn lựa hàng đầu cho các loại hình nhà ống hiện đại, nhà phố, nhà chung cư cao tầng…với nhu cầu tiết giảm và sử dụng diện tích tối ưu.
Theo đó, các mẫu mã nội thất phòng khách tối giản thường đáp ứng tốt tiêu chí tiện nghi nhờ thông minh kết hợp các tone màu trung tính một cách hài hòa nhất.
Mẫu phòng ngủ tĩnh lặng theo lối tối giản
Phòng ngủ Minimalism thật sự là chọn lựa đúng đắn cho hầu hết các đối tượng người dùng, bất kể giới tính và lứa tuổi.
Cảm giác thanh bình sau mỗi giờ làm việc mệt nhọc là điều có thể tìm thấy khi trải nghiệm các thiết kế tối giản trong khu vực nghỉ ngơi của mình.
Không quá choáng mắt, sự đơn giản và đặt để ít đồ vật sẽ làm không gian thông thoáng hơn, màu sắc nguyên thủy phủ từ ga giường, tường qua đến vỏ gối đều mang độ “tĩnh” cao dễ dàng cho bạn chìm vào giấc ngủ.
Mẫu nhà bếp phong cách nội thất Minimalism tinh tế
Về việc áp dụng Minimalism vào thiết kế khu vực nấu nướng, các tủ bếp thường được tạo hình với bề mặt phẳng không tay cầm nắm, cấu tạo vuông vức và sắc cạnh nhằm đảm bảo đường nét đơn giản tối đa cho sản phẩm.
Các thiết bị điện gia dụng thông minh như lò nướng, lò vi sóng…được chọn lắp đặt âm tường nhằm tiết giảm diện tích, cũng là dụng ý thiết kế mang lại các khoảng không gian trống trải như một vẻ đẹp biểu tượng của lối bày trí tối giản.
Nội thất nhà bếp bổ sung, điển hình là các loại kệ, giá để đồ ít khi được sử dụng, hoặc thường có kiểu dáng thanh mảnh, đơn giản hết mức có thể.
Vật dụng nhà bếp cũng ít có sự bày bừa trên bề mặt phong phú như các phong cách khác, thường được lưu giữ ngay ngắn trong ngăn tủ, chỉ những món đồ thiết yếu và tần suất dùng nhiều mới cần thiết cho việc xuất hiện ra bên ngoài.
Đỉnh cao của cái đẹp chính là sự đơn giản, và những gì tinh tế nhất tất yếu không đi cùng với sự ồn ào, một phong cách Minimalism chắc chắn làm gia đình bạn thư giãn hơn bao giờ hết nhờ khoảng lặng ngập tràn trong từng góc bày trí.
Được DUX thiết kế dành riêng cho những ai yêu thích lối sống tối giản, sống nội tâm hoặc chỉ đơn thuần mong muốn một không gian tiện nghi chứa ít đồ đạc hết mức có thể cho học tập và làm việc, các mẫu phòng Minimalism nên là chọn lựa hàng đầu.
DUX Việt Nam – Đơn vị chuyên thiết kế, sản xuất và cung cấp nội thất cao cấp
- Văn Phòng Thiết Kế: Số 69/10 Đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
- Xưởng sản xuất: Số 326 Nguyễn Thị Na, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh
- Email: duxvietnam@gmail.com
- Website: DUX.VN
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!